so-sanh-lap-trinh-low-code-va-no-code-kham-pha-cac-case-study

Bạn đang thắc mắc về sự khác biệt giữa phát triển low-code và no-code? Cả hai cách tiếp cận này đều cùng hướng đến việc đơn giản hóa lập trình bằng cách trừu tượng hóa các công việc phức tạp, nhưng lại có những điểm khác biệt đáng kể về quy mô và loại ứng dụng bạn có thể xây dựng.

Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về hai phương pháp này khi so sánh lập trình low-code và no-code, đồng thời khám phá những case study và các lưu ý giúp bạn lựa chọn phương pháp phù hợp cho doanh nghiệp của mình.

1. Lập trình no-code là gì?

Lập trình no-code sử dụng chức năng kéo và thả trên giao diện trực quan để giúp bạn tạo các ứng dụng cơ bản nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Các nền tảng no-code có ưu điểm đơn giản và dễ sử dụng, nhưng những ưu điểm này cũng là hạn chế của nó.

Bạn không thể tân trang các hệ thống cũ kỹ với nền tảng no-code. Khả năng mở rộng của các ứng dụng cũng thường bị hạn chế do tính năng tích hợp của các nền tảng này. Thay vào đó, phương thức tạo ứng dụng này phù hợp nhất để hỗ trợ các nhóm IT cần phát triển các nhu cầu cụ thể trong một phạm vi giới hạn.

Lập trình no-code là gì?

Người tạo ra các nền tảng no-code sẽ định sẵn cấu trúc, điều này hạn chế khả năng tùy chỉnh của bạn. Nó có thể dẫn đến những lỗ hổng tiềm ẩn về bảo mật và tuân thủ bảo mật thông tin. Khả năng tích hợp các ứng dụng no-code vào kiến trúc doanh nghiệp rộng hơn cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, do thiếu sự giám sát thường có trong quá trình phát triển bởi các lập trình viên, các ứng dụng no-code có thể trở thành một phần của “shadow IT” (các hệ thống IT được xây dựng và sử dụng bên ngoài sự quản lý của bộ phận IT).

Mặc dù nền tảng no-code có những hạn chế về khả năng, tại sao chúng vẫn tồn tại và được sử dụng rộng rãi? Câu trả lời nằm ở đặc tính dễ dàng sử dụng của chúng, ngay cả với những người không có kiến thức hoặc kinh nghiệm lập trình. Nền tảng no-code là một cách tuyệt vời để những người không chuyên về công nghệ tạo ra nguyên mẫu ứng dụng trước khi đưa ý tưởng của họ cho bộ phận IT phát triển.

2. Những thử thách của lập trình no-code

Sự dễ dàng và đơn giản của lập trình no-code hoạt động hiệu quả khi được ứng dụng ở cấp phòng ban. Tuy nhiên, việc mở rộng lên quy mô toàn doanh nghiệp lại tiềm ẩn những thách thức:

  • Kiến trúc: Lập trình no-code làm tăng nguy cơ sử dụng kiến trúc monolithic do thiếu kinh nghiệm của đội ngũ IT. Hầu hết các nền tảng no-code yêu cầu triển khai trên public cloud của họ, không linh hoạt để triển khai trên cloud riêng hoặc cơ sở hạ tầng nội bộ.
  • Khả năng mở rộng: Các nền tảng no-code ưu tiên hiệu quả vận hành nên chúng không tập trung vào trải nghiệm người dùng. Chúng cũng không thể kết nối với các hệ thống cũ. Nhà cung cấp không hỗ trợ tích hợp tùy chỉnh cho các giải pháp của bên thứ ba hoặc hệ thống nội bộ.
  • Khả năng quản trị: Quản trị dữ liệu là một vấn đề phổ biến do bản chất độc lập của các ứng dụng no-code. Dữ liệu có thể bị trùng lặp, không nhất quán, cấu trúc và chất lượng không được quản lý chặt chẽ (ví dụ: quản lý hồ sơ khách hàng và tuân thủ GDPR – Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu của EU).

Những thử thách của lập trình no-code

3. Lập trình low-code là gì?

Lập trình low-code linh hoạt hơn nhiều so với lập trình no-code. Nó cung cấp một giải pháp trung gian giữa lập trình no-code và lập trình thủ công phức tạp.

Giống như các nền tảng no-code, các nền tảng low-code sử dụng phương thức phát triển theo mô hình (model-driven development) với các thành phần kéo và thả. Tuy nhiên, chúng còn mở rộng hơn, cho phép chèn thêm mã code hoặc script thủ công. Điều này mang lại cho các lập trình viên những lợi ích của cả hai phương thức, nơi tốc độ phát triển có thể được cải thiện mà không cần phải viết lại các đoạn code cơ bản.

lap trinh low code la gi

Ngoài ra, các nền tảng low-code có khả năng mở rộng thông qua các open API, cho phép tái sử dụng và linh hoạt hơn với triển khai trên Cloud hoặc on-premises. Các lập trình viên cũng có thể kiểm soát việc kiểm thử ứng dụng, kiểm thử chất lượng và các công cụ đo lường hiệu suất.

Bên cạnh những khả năng này, low-code còn sở hữu một ưu điểm then chốt khác. Các lập trình viên có thể mở rộng chức năng của nền tảng bằng chính code của họ. Điều này giúp việc xây dựng hoặc cập nhật các ứng dụng phức tạp trở nên dễ dàng hơn, vốn thường cần đến sự trợ giúp của các lập trình viên chuyên môn cao.

4. Khám phá các use case của lập trình low-code

Các nền tảng low-code hỗ trợ việc tạo các ứng dụng phức tạp và có thể xử lý nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, bao gồm:

  • Các trường hợp ứng dụng sáng tạo với các công nghệ thế hệ mới: Nhiều nền tảng low-code đi kèm với các marketplace được xây dựng bởi các nhà tiên phong công nghệ. Bạn có thể tận dụng các dịch vụ của bên thứ ba được cung cấp trên Cloud, chẳng hạn như AI, Machine Learning và blockchain.
  • Ứng dụng trải nghiệm khách hàng: Tận dụng các template giao diện người dùng (UI) được xây dựng sẵn để tối ưu hóa tính thân thiện với người dùng, đồng thời đảm bảo tính nhất quán về thương hiệu.
  • Ứng dụng giúp tăng năng suất và hiệu quả vận hành: Ứng dụng có thể sử dụng cho nhiều phòng ban và lĩnh vực khác nhau.
  • Hiện đại hóa hệ thống cũ: Bao gồm các vi dịch vụ (microservices), phát triển dựa trên thành phần sử dụng container và các cơ hội triển khai liên tục cho các ứng dụng hiện có.

các use case của lập trình low-code

Quy trình làm việc trên một nền tảng low-code sẽ quen thuộc với các lập trình viên và những người kinh doanh am hiểu công nghệ. Mặc dù nhóm thứ hai có thể cần thời gian để học hỏi về lập trình low-code nhiều hơn. Tuy nhiên, một nhân viên kinh doanh ham học hỏi, nhiệt tình và không chuyên về kỹ thuật hoàn toàn có thể nhanh chóng nắm bắt cách sử dụng hầu hết các nền tảng low-code.

Việc nền tảng này hấp dẫn cả các lập trình viên và nhân viên kinh doanh mở ra tiềm năng cho sự hợp tác giữa các phòng ban trong tổ chức. Trong lịch sử, hai nhóm này thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nhau. Nhưng với low-code, họ có thể cùng nhau tạo ra một ứng dụng đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và tuân thủ các yêu cầu của bộ phận IT cũng như các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Điểm giống nhau giữa lập trình low-code và no-code

Khi tiếp xúc với cả hai phương pháp lập trình, mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra những điểm giống nhau cơ bản giữa lập trình low-code và no-code. Các tổ chức có thể sử dụng cả hai phương pháp này để:

  • Xây dựng ứng dụng mà không cần viết code
  • Sử dụng phương pháp trực quan để phát triển ứng dụng
  • Giúp việc phát triển ứng dụng dễ dàng tiếp cận với nhiều người hơn
  • Tạo ứng dụng hiệu quả hơn

Điểm giống nhau giữa lập trình low-code và no-code

Điều ưu tiên hàng đầu của các nền tảng này là cung cấp phương tiện để xây dựng ứng dụng mà không cần viết code. Với phương pháp trực quan, các lập trình viên không cần hiểu biết về các loại ngôn ngữ lập trình khác nhau để phát triển ứng dụng.

Trong mô hình Platform as a Service (PaaS), cả hai lựa chọn này cũng giúp giảm thiểu chi phí cho việc thiết lập môi trường và duy trì cơ sở hạ tầng.

Nhưng đó mới chỉ là những điểm tương đồng cơ bản nhất giữa hai phương pháp lập trình này.

6. Điểm khác nhau giữa lập trình low-code và no-code

Khi nói về các use case của hai phương pháp, low-code và no-code có một điểm khác biệt chính.

  • Các nền tảng phát triển no-code chỉ có những tính năng cơ bản và được sử dụng để tạo các ứng dụng đơn giản.
  • Các nền tảng phát triển low-code phức tạp hơn và được sử dụng để xây dựng bất kỳ loại ứng dụng nào.

Điểm khác nhau giữa lập trình low-code và no-code

Nếu bạn sử dụng giải pháp no-code, nó có thể ảnh hưởng đến tình trạng “shadow IT” trong tổ chức sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Khi ứng dụng của bạn phát triển vượt quá khả năng hỗ trợ của đội ngũ lập trình, bạn sẽ làm gì? Tất cả những lợi ích về hiệu quả và tiết kiệm chi phí sẽ biến mất do những hạn chế của nền tảng không cho phép bạn giải quyết vấn đề. Từ đó, các vấn đề phát sinh có thể gây ra xung đột giữa doanh nghiệp và đội ngũ IT, vì vậy giải pháp duy nhất là doanh nghiệp phải thuê ngoài đội ngũ IT hoặc sử dụng dịch tư vấn từ bên thứ ba.

Nếu bạn làm việc với giải pháp low-code, nó có thể giúp các lập trình viên code nhanh hơn. Nhưng liệu nó có làm tăng độ chính xác của giải pháp được cung cấp so với các yêu cầu kinh doanh? Liệu thời gian tạo ra giá trị có được rút ngắn khi các lập trình viên của bạn phải lặp lại tác vụ nhiều lần và sửa chữa các giải pháp? Việc nhanh chóng cung cấp các ứng dụng có thể không hoạt động như mong đợi sẽ gây ra thiệt hại gì cho doanh nghiệp?

7. Low-code và no-code: Đâu là lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp bạn?

Trước khi lựa chọn nền tảng phù hợp giữa low-code và no-code, bạn cần cân nhắc những câu hỏi này để xem liệu nền tảng có đáp ứng được các yêu cầu của bộ phận kinh doanh và đội ngũ IT của mình hay không:

  • Nền tảng thúc đẩy giao tiếp và cộng tác giữa bộ phận kinh doanh và đội ngũ IT như thế nào?
  • Những khả năng AI nào có sẵn trên nền tảng này?
  • Các lập trình viên có thể mở rộng nền tảng bằng mã tùy chỉnh và ngôn ngữ thiết kế theo định dạng có thể tái sử dụng không?

Khi chọn một nền tảng, không chỉ đơn thuần là về công nghệ. Giống như bất kỳ chiến lược phát triển nào, bạn nên lên kế hoạch làm thế nào để các sản phẩm được đưa ra phù hợp với những gì người dùng thực sự muốn và cần.

Điều quan trọng ở đây là tăng cường sự cộng tác bằng cách tạo ra một Fusion Team gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực. Mỗi thành viên trong nhóm áp dụng chuyên môn của mình hướng tới mục tiêu chung là phát triển ứng dụng thành công. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ, các nhóm có thể xây dựng các ứng dụng chất lượng cao hơn, được tối ưu hóa cho kết quả kinh doanh.

8. Kyanon Digital: Đối tác low-code cho thành công của doanh nghiệp bạn

Kyanon Digital hiện tại đang là đối tác triển khai giải pháp cho Mendix, một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ công nghệ low-code hàng đầu thế giới.

Hãy liên hệ ngay với Kyanon Digital để nhận được tư vấn từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc áp dụng phần mềm low-code vào các hệ thống vận hành của bạn ngay hôm nay.

Nguồn: Mendix

Dịch và biên tập: Kyanon Digital

5/5 - (1 vote)