Vào ngày 10/08/2023, gần 30 lãnh đạo và các thành viên chủ chốt đã tham gia Leaders’ Talk #5 với chủ đề “Lãnh đạo bằng sự thấu hiểu động lực” được chia sẻ bởi David Lapetina – Engineering Director tại Kyanon Digital.
Trong buổi chia sẻ, anh David sử dụng mô hình 5P (Proposition, Productivity, Profitability, People, và Purpose) để nhấn mạnh tầm quan trọng của mục đích (Purpose), từ đó thiết lập mối liên hệ giữa mục đích và động lực nội tại của mỗi cá nhân trong tổ chức.
Buổi chia sẻ gồm 4 phần chính:
- Các khái niệm về mục đích, động lực bên trong và bên ngoài của mỗi người
- Tầm quan trọng của việc hiểu rõ mục đích của cá nhân và của những đồng nghiệp mà bạn quản lý
- Cách xác định mục đích hiệu quả
- Làm sao để mục đích của mỗi cá nhân cùng hướng về mục tiêu chung của tổ chức
1. Những động lực nào sẽ định hướng hành động của chúng ta?
Với David, mục đích để bạn làm việc mỗi ngày là “lý do rõ ràng và có ý nghĩa lý giải cho hành động của một cá nhân hoặc tổ chức”.
Để một cá nhân hành động hoặc quyết định làm một hành động, họ được dẫn dắt bởi 2 loại động lực:
- Động lực tự thân (Intrinsic motivation): Yếu tố đến từ bên trong bản thân, chẳng hạn như niềm đam mê, giá trị và sự thỏa mãn cá nhân.
- Động lực ngoại hiện (Extrinsic motivation): Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hành vi, như phần thưởng, sự công nhận và việc thăng chức.
Động lực bên trong bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mục đích và chúng thường tương tự nhau. Trong khi đó, động lực bên ngoài thì thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh,…Vì lẽ đó, mục đích và động lực bên trong là những động lực liên tục và mạnh mẽ hơn.
2. Vì sao hiểu rõ mục đích cá nhân và của những nhân viên bạn quản lý vô cùng quan trọng?
Hiểu mục đích và động lực của một người trong công việc làm tăng sự hài lòng và sự cam kết của họ trong công việc. Nó liên kết các mục tiêu cá nhân với các mục tiêu của tổ chức, thúc đẩy cảm giác thân thuộc và cam kết. Từ đó, nhận thức về động lực của cá nhân và nhóm giúp phát triển các cá nhân và việc quản lý hiệu suất đội nhóm tốt hơn.
Đối với cá nhân, việc hiểu mục đích của bản thân giúp bạn hiểu bản thân, cảm nhận được ý nghĩa trong mục tiêu mình đặt ra, vượt qua mọi thách thức trong công việc và giúp bạn xác định lộ trình phát triển sự nghiệp phù hợp với giá trị và đam mê của mình. Cuối cùng và quan trọng hơn hết là bạn luôn đảm bảo được sức khỏe tinh thần của mình khi hiểu được sứ mệnh của mình.
Dành cho những người lãnh đạo, việc hiểu được sứ mệnh và động lực của những người đồng nghiệp và cấp dưới sẽ giúp bạn biết được đâu là cách thức khích lệ tinh thần của họ. Khi bản thân họ có thể liên hệ bản thân với mục tiêu của tổ chức, sự gắn kết với tổ chức, sự cam kết và hiệu suất trong công việc của họ sẽ được phát triển lên một tầm cao mới. Từ đó họ được kích thích sự sáng tạo, chủ động đưa ra sáng kiến và đóng góp nhiều giá trị cho tổ chức và góp phần tích cực xây dựng văn hóa của tổ chức.
3. Người lãnh đạo làm thế nào để xác định được mục đích của bản thân và nhân viên bạn quản lý?
3.1. Xác định mục đích của bản thân
Hãy dành thời gian chiêm nghiệm những dự án, sự kiện trong quá khứ, những tương tác đặc biệt của bạn với người khác để trả lời câu hỏi “Điều gì đã khiến bạn đạt sự hài lòng/có những phản ứng trong những tương tác ấy?”
3.2. Xác định mục đích của đồng đội
Dành thời gian trò chuyện trực tiếp với các nhân viên mà bạn quản lý, thậm chí hãy tận dụng những cơ hội trong những cuộc nói chuyện phiếm để hiểu những tâm tư, nguyện vọng của họ, những nguyên nhân đằng sau những quyết định quan trọng của họ trong quá khứ. Ngoài ra, bạn còn có thể để tâm tới những hành động, sở thích của họ trong quá trình làm việc.
4. Làm thế nào để mục đích của mỗi cá nhân cùng hướng về mục tiêu chung của tổ chức?
Những chia sẻ của David xoay quanh 3 điểm sau:
4.1. Thiết kế công việc được dẫn dắt bởi mục đích của tổ chức và mục đích đó liên kết với giá trị và đam mê của từng cá nhân trong đội nhóm
Hãy cho họ biết mục tiêu, định hướng của tổ chức, cho họ biết vai trò, vị trí của họ đang đóng góp thế nào cho sự phát triển của tổ chức. Quan trọng hơn hết là khi đạt được những mục tiêu kinh doanh của tổ chức, thì họ sẽ đạt mục tiêu cá nhân nào của mình. Không cần chỉ nói về những thứ lớn lao, hãy áp dụng điều này trong quá trình phân chia công việc hằng ngày với đồng đội của mình. Sau đó, hãy nghĩ đến việc động viên, ghi nhận thành quả của cá nhân và của cả tập thể.
4.2. Tạo cơ hội cho sự phát triển cá nhân, phát triển kỹ năng và sự thăng tiến nghề nghiệp
Bạn có thể tạo cơ hội cho đồng đội của mình tham gia vào quá trình ra quyết định của đội nhóm, trao quyền tự quản cho họ để tạo ý thức trách nhiệm và cam kết đạt được mục tiêu của đội nhóm và tổ chức.
Bên cạnh đó, hãy luôn theo sát tiến độ làm việc của đội nhóm thông qua những chỉ số có thể đo lường được. Từ đó, đội nhóm sẽ nhận thức được hiệu suất của cá nhân và tập thể, từ đó xác định các hoạt động học tập và phát triển phù hợp với tất cả thành viên trong nhóm.
Ngoài ra, để liên tục cải thiện năng suất đội nhóm và cải tiến các phương pháp làm việc, là một người lãnh đạo, hãy tạo ra thói quen đóng góp ý kiến của mỗi cá nhân để họ hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Nhờ vậy họ sẽ tự phát triển bản thân mình tốt hơn.
4.3. Tạo môi trường làm việc đội nhóm kích hoạt sự cộng tác của tập thể
Điều quan trọng nhất để làm được điều này là thúc đẩy việc giao tiếp cởi mở trong đội nhóm, cũng như tạo cơ hội để từng cá nhân được phản tư về giá trị bản thân, đam mê, mục tiêu dài hạn thông qua những việc mình đã làm.
Buổi Leaders’ Talk #5 kết thúc với phiên thảo luận và hoạt động gắn kết sôi nổi của đội ngũ lãnh đạo và các thành viên chủ chốt của Kyanon Digital. Cảm ơn David Lapetina đã chia sẻ những kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân hữu ích để trải nghiệm đội nhóm của công ty trở nên có ý nghĩa hơn.
Cùng đón chờ những chia sẻ thú vị khác của series Leaders’ Talk sắp tới nhé!
——
GIỚI THIỆU VỀ LEADERS’ TALK
Leaders’ Talk là một sự kiện đặc biệt được tổ chức hằng tháng dành cho đội ngũ quản lý tại Kyanon Digital nhằm nâng cao tinh thần học hỏi giữa các Archers. Tương ứng một trong 7 giá trị cốt lõi tại Kyanon Digital – “Craft”, cho thấy ngoài việc phát triển các kỹ năng chuyên môn về công nghệ, phát triển phần mềm, các Archers còn nỗ lực phát triển sức mạnh nội tại để đảm bảo luôn đạt được hiệu quả công việc và nâng cấp bản thân trong trạng thái tốt nhất có thể.